Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

LỚP NGƯỜI BỊ BỎ SÓT - Ngô Tất Tố

 Hôm ấy, một hôm về cuối mùa đông, cách đây độ hơn mười  năm, trời xế chiều, tôi mới đến nhà cụ Thượng Lão Việt. Cái nhà  mới lạ làm sao! Nó là một túp lều tranh lụp xụp, đầy cảnh thê thảm, nhưng lại có vẻ vui vẻ. ở gian bên này khách khứa tấp nập. Người ta cười cười nói nói sốt sắng đợi hơi thở cuối cùng của ông cụ già. Cụ Thượng nằm to vo trên chiếc giường tre trong gian bên kia. Mặt cụ ngoảnh vào bức vách. Lưng cụ uốn gù con tôm. Bức chăn dạ đỏ phủ trên mình đã hóa màu gạch non vừa vặn đậy kín từ vai đến gối. Cái đầu trắng xóa và đôi bít tất thủng gót đeo ở cổ  chân đều bị để lộ ra ngoài. Cánh dại che ở trước cửa chỉ còn lơ thơ  vài nan. Gió Bắc tự do đưa mãi hơi lạnh từ ngoài sân vào vách.  Mấy cục củ tre nhóm trên đống trấu cạnh giường đã hết ngọn lửa, khói đang nghi ngút tỏa khắp nhà. Cụ Thượng từ từ mở hai bàn tay gầy guộc khoác nhau ở đằng sau gáy, nặng nhọc trở mình ra ngoài, chào tôi bằng hai con mắt cảm động khi tôi rón rén ghé vào giường cụ, và sẽ lên tiếng hỏi cụ.

Biết bao nhiêu sự hối hận rung động lòng tôi! Nó trách tôi đến thăm cụ muộn quá. Với cụ, tôi không phải là kẻ họ hàng thân  thích, hay người cùng tỉnh cùng huyện. Sở dĩ biết nhau chỉ vì một  chuyến tàu thủy chạy từ Hà Nội xuống Nam Định, chuyến tàu chở dân lều chõng lần cuối cùng. Bấy giờ tàu cạn ở trên cửa Luộc, phải  dừng lại đó suốt hai ngày một đêm để chờ con nước. Trong lúc suốt  ngày đêm lênh đênh ngồi trên mặt nước để nghe những tiếng "dì xế dì" và "xám xế xám" của bọn mạch nô đo nước, người ta dễ thân  với nhau, nếu đã cùng nhau ăn cùng mâm và nằm cùng chiếu. Nhờ vậy tôi mới trở nên người bạn của cụ, dù tôi kém cụ hơn ba chục tuổi và không phải cùng làm một nghề với cụ. Cụ yêu tôi về  tính hoạt động. Còn tôi thì tôi trọng cụ ở chỗ từng trải, chất phác, có can đảm, không câu nệ, luôn luôn nhìn đời bằng con mắt lạc  quan, nhất là những lúc rung đùi mà cất chén rượu, cụ đã tỏ ra  người có chí khí. Bấy giờ, cụ đương buôn than, thường lên Hà Nội  mua hàng tải về Nam Định. Nhưng cụ cũng có biết chữ, chữ quốc  ngữ đủ để đọc báo, chữ Hán thì có thể hiểu những cuốn Tam quốc  chí hay là Chinh đông chinh tây. Sau mấy ngày tình cờ hội ngộ, chúng tôi biệt nhau khi tàu cập bến Nam Định. Từ đó, tuy không  gặp nhau, nhưng mà hai bên vẫn có thư từ đi lại. Mỗi lần cụ đổi  nghề này làm nghề khác, đều có viết giấy cho tôi. Ân hận hơn hết là cái giấy mời tôi đến làng Lão Việt dự tiệc bảy mươi, cái tiệc  người ta ăn vạ cụ về tội dám sống đến bảy chục tuổi để là "cụ  thượng" làng ấy.
Lúc ấy, tôi đã định đi, rồi lại ngần ngại không đi. Thế rồi, ba  năm sau, một bữa tôi nhận được một bức thư của cụ và tôi giật  mình đánh thót, khi coi đến mấy dòng này:
"Tôi nay sắp sửa từ giã cái làng Lão Việt, từ giã hết thảy những yêu ghét trong khoảng bảy mươi năm trời. Gan ruột tôi đang bồn chồn không muốn ở lại một ngày nào nữa. Sở dĩ chưa  nhắm mắt được là vì còn mớ tâm sự muốn ngỏ với ông. Nếu lần  này mà không được gặp ông, thì cái tâm sự ấy, tôi đành đem xuống suối vàng để nói với lũ quỉ sứ..."Chao ôi! Một chữ bao nhiêu  đau đớn! Có lẽ cụ đã viết bằng nước mắt. Còn một lẽ nào để tôi  chậm sự lên đường trong vài giờ? Nhưng tôi hết sức ngạc nhiên khi thoạt bước đến trước cổng nhà cụ. Trong khu vườn xoan kề bên cổng, người ta đã buộc một con trâu kềnh. Theo cái giá rẻ hồi ấy, nó cũng đáng đến bốn chục bạc. Cạnh đó, một bó nứa khô, mấy  chiếc đòn tre, lổng chổng dựa vào gốc xoan và mấy bó rơm tanh bành quẳng ở giữa vườn. Thoáng coi những vật liệu ấy, đủ thấy một cuộc vật trâu đang được dự bị tại đó.
Ngó vào trong cổng, một tòa rạp lớn nghênh ngang dựng ở ngoài sân, mái cót còn chưa lợp kín. Dưới rạp giường, phản, bàn  ghế đã kê sẵn sàng. Nong bát, nong đĩa, chum đựng nước, cối giã  giò, rồi nồi ba mươi... không biết mỗi thứ là bao nhiêu cái, la liệt  bày khắp ngoài rạp. "Tội nghiệp! Cụ Thượng đã chết mất rồi! Con cháu đã đương sắp đồ làm ma đây rồi! Mình không được nói với cụ  một câu nào, sao mà phụ phàng cụ thế?..." Với sự bùi ngùi ấy, tôi bỡ ngỡ bước vào trong sân. Mấy chục con mắt đổ dồn vào tôi. Không ai biết tôi là người nào hết. Bởi vì tôi đến nhà cụ, lần này là lần đầu. Sau khi tôi tự giới thiệu, một người đàn ông, độ bốn mươi tuổi, tươi cười bảo tôi:
- Rước ông vào chơi trong nhà! Ba bốn hôm nay hôm nào thầy tôi cũng nhắc đến ông.
Thì ra người đó chính là con trai cụ Thượng. Lúc đó tôi mới  biết cụ Thượng còn sống.
Đưa tôi vào đến cạnh giường cụ Thượng, người ấy chỉ kịp rót cho một chén trà nguội, rồi ông ta sấp ngửa chạy đi, coi bộ đương  bận rộn lắm. Cụ Thượng tuy đương ốm nặng, nhưng nó chỉ là bệnh  già, cũng như cái cây hết nhựa, chứ không có chứng gì khác. Vì vậy tinh thần vẫn còn tỉnh táo. Tuy đã xa nhau đến gần mười  năm, mà khi thoạt nghe tiếng tôi, cụ liền nhận ngay ra tôi và cố quay mặt ra chỗ tôi ngồi! Cái mặt mới đáng sợ chứ! Nó sạm như  ngả bùn, đôi mắt trũng hoáy, đôi má hóp lại, hai cái gò má dô lên, người ta có thể ngờ là một chiếc đầu lâu, nếu không có đôi con ngươi lóng lánh. "Sao mình không đi thăm cụ tự mấy tháng trước để đáp tấm lòng ân cần của cụ trong mấy năm xa nhau? Bây giờ  đã đến thế này, cụ còn sức đâu mà kể với mình những điều cụ định kể? Thật là mình đã phạm một tội lớn! Chính mình đã làm cho cụ thấy áy náy trước khi từ giã cõi đời!... Tôi đang phàn nàn với tôi như vậy thì cái bàn tay cẳng gà của cụ chờ choạng nắm lấy tay tôi. Rồi cụ cất giọng rên rên như sắp đứt hơi:
- Đáng lẽ tôi sẽ im lặng mà chết, không thể nói thêm câu nào, dù tôi vẫn muốn nói. Bởi vì luôn hai bữa nay người tôi đã hết khí lực, không đủ sức để đưa câu nói ở trong miệng ra. Không hiểu vì sao mới nghe tiếng ông, tự nhiên tôi thấy trong mình hơi mạnh hơn trước. Có lẽ bây giờ tôi đã có thể nói nhiều với ông. Ngừng lại giây lát, cụ tiếp:
- Tôi sẽ là người chết oan! Ông nên nhớ cho như thế!
Nghe đến câu ấy, tôi phải hết sức sửng sốt, nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh. Cụ vẫn ngập ngừng cất từng tiếng một:
- Đời tôi thế nào, ông đã biết rõ. Nhiều lúc tôi vẫn tự phụ: tuy  không thông minh, nhưng không đến nỗi ngu đần. Nhất là tôi không lười biếng...
Xen vào đó, một tiếng thở dài, rồi cụ lại nói đều đều:
- Thật vậy, từ thuở mười bảy tuổi đầu đến giờ, tôi không chơi không ngày nào, trừ ra những ngày đau ốm. Thôi thì cày sâu cuốc bẫm, buôn ngược bán xuôi, không quản ngại một việc gì cả. Có lúc đã lên mỏ Hích lăn lộn với đám phu mỏ... Những việc tôi làm, bất  kỳ việc nào, tuy không phát đạt, nhưng không thất bại bao giờ, chẳng lãi nhiều thì lãi ít. Vậy mà suốt đời nghèo xác, nghèo xơ, ăn không đủ, mặc không đủ, cả nhà có một thằng con đành để nó dốt nát. Ông bảo là vì cớ gì!
Tiếng cười nói ở gian bên kia làm cụ im đi một lúc như để chờ câu trả lời của tôi. Lâu lâu cụ mới cắt nghĩa:
- Ấy là bởi gánh việc làng. Cái làng Lão Việt nhà tôi có thể đại diện cho cả hương thôn già cỗi của nước Việt Nam. Vì nó là chỗ để chứa hủ tục. Bất kỳ hủ tục nào, làng tôi đều có đủ cả. Vì thế mà  tôi suốt đời còm cọm, chỉ để đóng góp là vừa. Bây giờ tôi sắp nằm xuống, lại sắp để lại cho thằng con tôi một cái gánh nặng. Những  sự linh đình ông thấy ở ngoài sân kia, sẽ là món nợ mà một đời nó chưa chắc trả hết... Đuôi con mắt cụ bỗng có một giọt nước rỏ xuống dưới chiếu, cụ cố nói cho ra giọng cứng:
- Hủ tục không phải là thứ thiên kinh, địa nghĩa, nó vẫn có thể thay đổi, nếu phái trí thức để ý đến sự khai hóa cho dân quê. "Nhưng vì chúng tôi là một lớp người bị bỏ sót trong luỹ tre xanh, con mắt của phái trí thức ít khi ngó tới. Bởi vậy, những cái tục lệ quái gở, mọi rợ mới được tự do kế tiếp nhau, chồng chất lên vai chúng tôi. "Nhiều lúc tôi muốn hắt cái gánh nặng ấy đi, nhưng sức một mình không thể làm nổi, đành phải è cổ mà chịu.
"Một người chăm chỉ, cần kiệm, lao lực như tôi, chỉ vì một gánh tệ tục đè ép, đến nỗi suốt đời không ngóc đầu lên được, bây  giờ sắp chết, gánh tục lệ ấy vẫn còn đè ép chưa tha, ông bảo có oan uổng không? Vậy mà nó vẫn được coi như vị thần thiêng, không ai  đả động đến nó. Lạ thay! Tôi ước ao rằng: sau khi tôi đã nhắm  mắt, ông sẽ đem những tội ác của nó mà phơi ra bóng mặt trời"...
Lúc này tiếng nói của cụ đã thấy nhỏ dần. Vì sợ cụ mệt, tôi  tạm cáo từ để ra chỗ khác. Gần tối, tôi lại tới đó. Cụ vẫn ngoảnh mặt trở ra như có ý đợi tôi. Khi thấy tôi đến, cụ cố gắng sức đưa ra những tiếng thì thào và rời rạc:
- Một nước giống như một cái xe bò, lớp trí thức là người làm bò, lớp dân quê là người đẩy xe. Nếu kẻ đẩy còn bị những dây lệ buộc chặt hai chân, thì kẻ làm bò tài giỏi bậc nào cũng không thể kéo được cái xe bò lên dốc... Vì vậy... tôi chỉ mong mỏi các ông đưa mắt đến chỗ bẩn thỉu, tối tăm... trong luỹ tre xanh".
Hết câu đó, cụ bỗng trợn ngược hai mắt, đờm ở trong cổ kéo lên khè khè. Cả nhà nhớn nhác xúm lại. Cụ đã tắt thở. Cái lúc trong nhà im lặng bỏ tiền và gạo vào miệng người chết, thì ở ngoài vườn người ta cũng hò reo để vật con trâu. Từ lúc đưa đám tang cụ Thượng, lời cụ vẫn văng vẳng bên tai tôi. Sau mười năm lang thang nay đây mai đó, tới đâu tôi cũng thấy chứng cớ về sự từng  trải và nỗi đau đớn của cụ. Cụ quả là người chết oan. Cho được an  ủi vong hồn của cụ, tôi phải minh oan cho cụ và cho những người  như cụ bằng thiên phóng sự này.
Sưu tầm từ internet - 19/6/2021 (ông Tài Thắng kể)

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

Lão ăn mày và đại gia.


Một anh chàng trẻ tuổi giàu có lái một chiếc xe sang trọng hiệu Rolls Royce đang dừng ở ngã tư để chờ đèn đỏ.
Đúng lúc đó có một người đàn ông đến gần chiếc xe của anh ta, gõ vào chiếc cửa kính ô tô, van xin: “Làm ơn cho tôi xin ít tiền! Tôi nhịn đói mấy hôm nay rồi”.
Người thanh niên kéo cửa kính xuống và lên tiếng: “Tôi cho ông một điếu thuốc nhé, trên xe tôi có thuốc lá rất ngon.” Người ăn xin nài nỉ: “Tôi không hút thuốc, cho tôi ít tiền đi”.
Người thanh niên lại nói: “Vậy ông uống rượu nhé, trên xe tôi có loại rượu tốt nhất trên thế giới.” –“Không, tôi không uống rượu, cho tôi tiền, tôi cần tiền.”
Người thanh niên kiên nhẫn: “Hay thế này nhé, tôi đưa ông đến một sòng bạc gần đây, ông giúp tôi chơi một ván; nếu thắng thì tiền sẽ là của ông, nếu thua thì tôi chịu. Được chứ?” –“Tôi không biết cược bài bạc, tôi cần tiền.”
“Thế thì đi mát xa, tôi sẽ giúp ông hưởng thụ một chút hương vị cuộc sống, chi phí tôi bao tất, đồng ý chưa?” – “Không, tôi không thích đi, xin cho tôi tiền”.
Chàng thanh niên dần hết nhẫn nại nhìn người ăn xin: “Vậy ông lên xe đi, tôi đưa ông về nhà tôi, để vợ tôi xem xem tại sao một người đàn ông không hút thuốc, không uống rượu, không bài bạc, cũng không chơi bời lung tung lại biến thành bộ dạng như thế này?” Lúc này người ăn xin mới thấy xấu hổ, quay lưng bước đi.

Bài học rút ra từ câu chuyện:
1. Người đàn ông không chịu cố gắng sẽ chỉ có 2 kết cục, một là đến loại thuốc lá tầm thường nhất cũng không được hút, hai là chỉ có thể nai lưng ra làm những công việc chân tay nặng nhọc. Người phụ nữ không biết cố gắng cũng sẽ có hai kết thúc, quần áo rẻ tiền nhất cũng không có tiền mua, và cũng không bao giờ biết cảm giác đi chợ là gì. (Phải biết phấn đấu).
2. Đừng bao giờ hy vọng rằng người khác sẽ bố thí cho bạn bất kì đồng tiền nào, vì tiền đối với mỗi người trên thế giới đều không bao giờ là đủ. Người có ít tiền sẽ muốn làm 2 chuyện, người có nhiều tiền muốn làm 20 chuyện; không có ai thừa tiền để cho bạn hàng ngày. (Học cách tự mình vươn lên).
3. Bạn bè dang tay giúp đỡ là một việc đáng để biết ơn, không thể giúp đỡ cũng không nên trách cứ, càng không nên nuôi hận trong lòng. Không phải ai cũng có khả năng cưu mang bạn suốt đời. (Học cách thấu hiểu).
4. Phải ghi nhớ một điều rằng không phải lúc nào bạn gặp khó khăn cũng có người bên cạnh giúp đỡ, những lúc như thế bạn càng phải mạnh mẽ lên, độc lập tự giải quyết, kiên cường bước tiếp, dũng cảm đối mặt với mọi hiểm nguy. (Học cách mạnh mẽ).
5. Đừng bao giờ nhìn vẻ bề ngoài của người khác để kết bạn, sự giàu có của họ không liên quan gì tới một xu của bạn. Có thể cả gia tài của họ đáng giá hàng tỉ đồng nhưng khi bạn không còn cơm ăn họ sẽ chỉ cho bạn một chiếc bánh mì. (Học cách không phân biệt giàu nghèo).
6. Đừng chỉ vì sự giàu có về tiền bạc mà quên đi những hạnh phúc trong tâm hồn. Sẽ có một ngày bạn nhận ra, những bạn bè giàu có có thể cùng bạn ăn chơi nhảy múa, đưa bạn đi hết quán xá này đến cửa tiệm nọ, nhưng họ cũng có thể lôi bạn vào xã hội phức tạp, nơi mà đồng tiền là thước đo của mọi giá trị.
Và rồi khi đó bạn sẽ cảm thấy cô đơn vì không có ai ngốc nghếch cười cùng bạn, không có ai cùng bạn chạy dưới những cơn mưa mà thấy đời sao yên bình quá. (Học cách biết người biết ta).
7. Bạn có thể tin vào một tình yêu chân thành thực sự tồn tại trên thế giới, nhưng đừng bao giờ hy vọng rằng tình yêu mãnh liệt đó sẽ đến với bạn, nó chỉ xảy ra với Ngưu Lang – Chức Nữ, với Lương Sơn Bá-Trúc Anh Đài thôi. Bởi vì tất cả họ đều nguyện chết vì tình yêu, còn chúng ta thì lại muốn sống thật lâu. (Học cách trân trọng những gì bạn có).
8. Không cần biết bạn kết hôn vì mục đích gì, nhưng chỉ cần bạn có con thì nhất định phải yêu gia đình mình. Cho dù gia đình bạn có lạnh lẽo đến đâu thì bạn vẫn có nghĩa vụ khiến nó ấm áp lên, bởi vì bạn đang mang trên mình vai trò “cha mẹ”. (Học cách gánh vác trách nhiệm).
9. Tuổi trẻ của chúng ta qua đi rất nhanh, chúng ta mãi mãi không bao giờ có thể chống lại được tạo hóa, tuổi càng cao thì nếp nhăn trên trán càng nhiều; nhưng nhờ dòng chảy không ngừng đó của thời gian, chúng ta có thể mài giũa tâm hồn, như viên ngọc trai càng mài càng sáng. (Học cách trưởng thành).
Chúng ta cần hiểu rằng, trên thế giới không có bữa cơm nào là miễn phí cả, phải biết tự mình cố gắng, tự phấn đấu vươn lên thì đồng tiền đó mới thật sự có ý nghĩa.
-ST-

Lão ăn mày và chú chó nhỏ.


Chuyện kể rằng trên cây cầu trong ngôi thành nọ có một người hành khất.
Ông ta không biết kéo đàn, cũng không biết hát, thậm chí còn chẳng biết viết ra cảnh ngộ bi thảm của mình lên giấy, rải xuống đất để mong nhận sự thương xót của khách qua lại.
Mỗi ngày, ông chỉ biết ngồi chồm hỗm dựa vào thành cầu, co ro rúc mặt vào trong đầu gối, bên cạnh đôi chân gày gò để một cái bát mẻ cũ kỹ.
May mà người qua lại chiếc cầu rất đông, thi thoảng cũng có người đem vài đồng bạc  lẻ vứt vào trong bát.
Khi đêm đến, người hành khất sẽ trở về chỗ trú ngụ của ông – một cái vườn rau ở ngoại ô, bị bỏ hoang đã lâu.
Một hàng rào xiêu vẹo bao lấy vườn rau bỏ hoang, bên trong có một túp lều nát, người hành khất già đã lánh rét ở đó được mấy mùa đông lạnh giá.
Trong vườn rau còn có một miệng giếng khô, bên giếng có một gốc cây già.
Gió mùa đông bắc ùa về, thành phố đón trận tuyết đầu tiên của mùa đông.
Người trên cầu thưa thớt hẳn đi, lão hành khất đang định sẽ về nghỉ, bỗng từ đâu chạy tới một con chó nhỏ.
Con chó bị lạnh tới nỗi run lên từng chập, trõ mõm hít hít cái bát sứt của người ăn mày, thì ra là vì đêm hôm trước ông đã dùng cái bát này để thức ăn.
Lão hành khất trong lòng thương xót, liền lấy trong người ra một chiếc bánh bao, khẽ khàng bỏ vào trong bát.
Con chó nhỏ ngước lên nhìn ông hồi lâu, như thể cảm động lắm, rồi gục mặt vào bát ăn lấy ăn để.
Người ăn mày mang con chó về "nhà" của mình, từ đó người chó quấn quít không rời.
Con chó rất thông minh, hễ đói là biết ngoạm cái bát chạy nhắng quanh chủ đòi ăn.
Những người đi qua nhìn thấy thế rất ngạc nhiên thích thú, liền thi nhau ném tiền vào trong bát.
Người ăn mày phát hiện ra đây là cơ hội lớn, liền huấn luyện cho con chó.
Qua một thời gian, nó đã biết đứng bằng hai chân sau, ngoạm bát xin ăn nhảy tới nhảy lui trước mặt những người qua đường. Vậy là người ăn mày lại càng thu được nhiều tiền thêm.
Người ăn mày bỗng dưng "phát tài", liền lấy tiền đi đánh xổ số.
Thật là nằm mơ cũng không tưởng được vận số ông lại tốt đến vậy, không lâu sau ông trúng giải độc đắc.
Cứ như là số mệnh vậy. Người ăn mày mua lại vườn rau bỏ hoang, rồi từ mảnh đất đó xây lên một ngôi nhà lộng lẫy, nhưng ông vẫn giữ lại túp lều nát, miệng giếng khô cùng gốc cây già và nếp hàng rào lưa thưa ngày nào ở vườn sau khu nhà mình.
Trong phòng của người ăn mày bày biện đầy những đồ xa xỉ, ông bỗng chốc mê mẩn việc sưu tầm đồ cổ, thích cung phụng những mỹ nhân chân dài, lại càng thích ánh mắt kinh ngạc, ngưỡng mộ của mọi người khi ông rút trong túi ra cả xập tiền lớn.
"Quý ngài ăn mày" bắt đầu đi gặp gỡ giới thượng lưu, dĩ nhiên lúc nào ông cũng mang theo con chó nhỏ của mình.
Các bà mệnh phụ ra sức ủng hộ nhiệt liệt quí ông ăn chơi mạnh tay này, và dĩ nhiên chẳng ai biết xuất thân ông ra sao.
Điều duy nhất làm cho "quý ngài ăn mày" cảm thấy khó xử chính là chú chó nhỏ, bởi những người thượng lưu khác đều nuôi những con chó giống quý, thuần chủng kia!
Cho tới một hôm, con chó con bướng bỉnh của ông cắn rách tai một con chó cái giống quí, ngay giữa bữa tiệc.
Chủ nhân con chó nổi trận lôi đình, làm cho ngài ăn mày cảm thấy lòng tự tôn của mình bị tổn thương nghiêm trọng.
Về tới nhà, ông lạnh lùng mang con chó ra vườn sau, cạnh cái giếng cũ.
Sau đó cho nó vào một chiếc lồng gỗ, buộc vào một sợi dây thừng dài và thả xuống cái giếng khô.
Người ăn mày quyết tâm giết chết con chó, giống như tiêu diệt hoàn toàn cái quá khứ khốn khổ vẫn ám ảnh ông ta.
Từ đó, bên cạnh người hành khất thiếu đi con chó nhỏ trung thành, ông ta có thể thoải mái một mình đi gặp các cô em phục vụ dễ thương ở quán rượu, hoặc đi dự những bữa tiệc thượng lưu xa hoa.
May mà dù thế nào ông cũng không quên mỗi ngày thả xuống giếng vài miếng thịt, vì tiếng sủa của con chó cho ông biết rằng người bạn ngày khốn khó xưa kia vẫn còn sống.
Chớp mắt hơn một tháng trôi qua, người hành khất ngược lại cảm thấy không hề vui vẻ, chó nhỏ đi rồi, bạn bè quý tộc của ông ta cũng không hề nhiều hơn, vả lại có một hôm, nhằm lúc ông uống rượu say lướt khướt, đã buột miệng để lộ ra cái thân phận thấp hèn ngày xưa.
Lũ người kia bỗng chốc chế nhạo và quay mặt lạnh nhạt với ông ta.
Người ăn mày cuối cùng hiểu ra rằng, trên đời này chỉ có chú chó nhỏ đã từng trải qua hoạn nạn với mình mới là người bạn chân chính nhất.
Thế mà ông nỡ vứt nó xuống dưới giếng khô.
Người ăn mày chạy thật mau đến bên giếng, thả cái cũi gỗ xuống.
Nhưng chó con chỉ đi quanh cái lồng gỗ mà không dám nhảy vào trong.
Người ăn mày chạy đi tìm một cái dây to, một đầu cột vào gốc cây, tự mình trèo xuống đáy giếng cứu chó con.
Giếng rất sâu, nhưng ông không sợ hãi chút nào.
Đáy giếng tối om om, lại bốc lên mùi thum thủm, ông vội cắp con chó rồi trèo lên. Chó con chẳng hề oán trách chủ mình, vui mừng liếm mặt người chủ lâu ngày mới gặp lại.
Hiện con chó bị một căn bệnh lạ...
Bác sỹ giỏi nhất trong thành cũng không thể trị nổi bệnh của chó nhỏ.
Người hành khất vì muốn bù đắp lỗi lầm của mình, mỗi ngày đều cho nó đồ ăn ngon nhất, đi đâu cũng dắt theo.
Con chó nhỏ vui lắm, lúc lắc cái đuôi nhỏ, nhưng đầu nó chỉ có thể quay nhìn đằng sau, đôi mắt lúc nào cũng ngước nhìn trời cao.
Người ăn mày mang chó nhỏ đi khắp mọi ngõ ngách trong thành phố, ông cầm tiền bỏ vào tận tay những người hành khất khác.
Thấy những người ấy cảm kích cầm tiền của mình, ông cảm thấy thật là mãn nguyện.
Rồi ông bắt đầu có dự định mới, ông báo cho những người ăn mày trong cả thành tới nhà ông lĩnh tiền.
Tin tức truyền đi rất nhanh, đội ngũ ăn mày tới lĩnh tiền càng lúc càng đông. Những người được tiền rồi dùng mọi lời lẽ hoa mỹ nhất trên đời để tán tụng ông, khiến ông hưng phấn khôn tả.
Đài truyền hình tới, bản tin buổi tối cũng có phóng sự nói về ông.
Ngày thứ hai, mọi người như nước thủy triều xông tới nhà ông, có những người chẳng phải ăn mày cũng gia nhập vào đội quân lĩnh tiền.
Người hành khất cứ chìm đắm trong cảm giác vinh dự vui sướng, ngày nào cũng bận rộn chạy qua chạy lại giữa ngân hàng và nhà mình.
Cho đến một hôm, ngân hàng báo cho ông biết tiền trong tài khoản đã hết, ông đành phải nói với hàng dài những người xếp hàng rằng: Hết tiền để phát mất rồi!
Đám người xếp hàng lập tức biến thành một đoàn hỗn loạn.
Chúng bắt đầu mắng chửi: "Đồ ti tiện!" "Sao đến lượt tao lại không phát nữa!"-" Dạy cho nó một bài học!".
Bọn chúng xông vào nhà ông, ném gạch tới tấp làm vỡ hết cửa sổ.
Ông chốt cửa nhà lại, nhưng cũng sắp bị đám người xô đổ đến nơi rồi.
Sợ quá, ông chạy ra vườn sau. Trông thấy sợi dây thừng còn buộc bên miệng giếng, ông vội vã leo xuống. Lúc sắp xuống tới đáy giếng, bất ngờ đầu dây thừng buộc ở miệng giếng bị rơi ra, người hành khất cùng sợi dây vẫn nắm chắc trong tay rơi xuống đáy giếng tối om.
Cảnh sát mất rất nhiều công sức mới giải tán được đám người hung hãn, nhưng ngôi nhà gần như đã biến thành một bãi hoang tàn, những thứ có thể lấy được, người ta đều cướp đi hết.
Thời gian mỗi ngày một qua đi, người ăn mày chỉ đành trú lại ở đáy giếng vừa tối vừa lạnh, ông ta ngóc mặt lên gào với trời, với trăng, chẳng ai nghe thấy.
Chó con mỗi ngày chạy đi khắp nơi kiếm thức ăn ném xuống giếng, lúc thì là chiếc bánh bao đã mốc meo, khi thì miếng xương đã biến mùi.
Chó con kiếm thức ăn rất khó khăn, vì đầu nó chỉ có thể nhìn ngược đằng sau.
Không làm thế nào được, nó chỉ biết nằm dài ra mà hít hà dưới đất, vớ được miếng thịt hỏng hay gì đó là ngóc dậy chạy về miệng giếng khô ngay. Có một lần, chó con còn vứt xuống cả xác một con mèo chết.
Chớp mắt hơn một tháng trôi qua, chó con thậm chí còn không để dành thức ăn cho bản thân, người nó gầy chỉ còn da bọc xương, thế rồi nó yếu đến mức sức lực để đi cũng không còn.
Người ăn mày ngày nào cũng gào thét khản cả cổ, chẳng có ai tới cứu ông ta.
Vài ngày liên tiếp chó con không thả đồ ăn xuống nữa, người ăn mày không biết con chó đã xảy chuyện gì.
Ông đau đáu nhìn lên mảnh trời hình tròn nhỏ bé trên miệng giếng, biết rằng mình sắp chết.
Một buổi sớm, những tiếng người nói chuyện rầm rì trên miệng giếng đánh thức người hành khất khỏi cơn mê sảng, ông thu hết chút sức tàn hô lên một tiếng.
Ông được mọi người dùng dây thừng đưa lên, ánh sáng mặt trời chói lọi làm ông không mở nổi mắt.
Mọi người săm soi người đàn ông lem luốc hôi thối trước mặt :"Nếu không phải thấy có xác con chó con chết ở miệng giếng này, thì chẳng có ai nghe được tiếng kêu của ông."
Người ăn mày nhìn cái xác gầy guộc của chó nhỏ, nước mắt rơi ướt cả bộ lông dính đầy đất bẩn của nó.
-ST-

Người ăn mày và cái bánh chiên thừa.


Có một người phụ nữ nọ hàng ngày làm bánh cho gia đình đều để một chiếc bên cửa sổ để những người nghèo đói đi qua có thể lấy ăn. Dần dần, bà phát hiện ra, người hàng ngày lấy bánh của bà ăn là một ông lão lưng gù.
Điều kỳ lạ là mỗi ngày lấy bánh xong, ông ta đều nói một câu: “Làm việc ác – lưu lại bên mình, làm việc thiện – trở về bên mình” chứ không phải câu “Cảm ơn!” nên nói. Người phụ nữ không hiểu ý nghĩa của câu nói đó là gì và bà ta tức giận vì làm việc tốt mà không được một lời cảm ơn.
“Đồ lão lưng gù đáng ghét kia, đã nhận bánh của người khác rồi còn không nói được một lời cảm ơn ra hồn, suốt ngày lầm bầm cái câu chết tiệt gì không biết”.
Thế rồi, đến một ngày bà ta nghĩ kế để hãm hại ông lão lưng gù cho bõ tức:
“Mình phải tìm cách loại trừ ông ta mới được, cho hết cái thói đi nhận bánh của người khác mà không thèm cảm ơn”.
Và thế là, bà ta quyết định bỏ độc vào chiếc bánh.
Tuy nhiên, lúc định cho chiếc bánh lên trên cửa sổ, bàn tay bà ta run rẩy sợ hãi, bà ta nghĩ:
“Nếu mình để chiếc bánh có độc lên cửa sổ, ông ta sẽ chết và mình sẽ mắc tội giết người…Mình đang làm trò gì đây?”
Nghĩ rồi, bà lập tức ném chiếc bánh đó vào lửa tiêu hủy và đặt một chiếc bánh như thường lệ lên cửa sổ.
Người phụ nữ này có một người con trai đi làm ăn xa nhưng mấy năm biền biệt không thấy về, mỗi ngày đặt một chiếc bánh lên cửa sổ, bà luôn thành tâm cầu nguyện một ngày nào đó con trai bà sẽ trở về.
Và rồi, tối hôm đó, có người gõ cửa nhà bà, con trai bà đã trở về. Nhìn thấy dáng vẻ gầy gò, ốm yếu của con trai, bà ôm chặt con và khóc.
Người con trai bình tĩnh kể: “Thực ra nếu hôm nay không được một ông lão giúp đỡ thì con khó mà sống sót trở về nhà được mẹ ạ! Lúc con gần về đến nhà, vì đói quá nên con nằm ngất bên vệ đường, một ông lão lưng gù đã đến bên cạnh và cho con một cái bánh. Ông ấy nói rằng đó là thức ăn hàng ngày của ông nhưng vì thấy con đang gần chết đói nên mới cho con đấy!”.
Nghe cậu con trai kể xong, sắc mặt bà ta trắng bệch, chân bước loạng choạng, lặng người…
Giờ bà ta đã hiểu ý nghĩa câu nói của ông lão lưng gù, giúp người khác chính là giúp mình, hại người khác chính là đang hại chính mình. Khi mình giúp đỡ người khác, có thể ngay lúc đó mình không được gì nhưng hãy tin vào luật nhân quả, rồi một ngày bạn sẽ được báo đáp.
Nếu mình rắp tâm hãm hại người khác thì một ngày chính mình cũng sẽ bị quả báo như vậy.
-ST-

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019

Chiếc ấm tử sa.

Ngày xưa có một phú ông rất thích thưởng trà, phàm là người đến nhà dùng trà, dù là người nghèo hay giàu thì ông ta đều sẽ phân cho hạ nhân chiêu đãi.
Một hôm nọ, có một tên ăn mày rách rưới đứng trước cửa nhà phú ông, không xin cơm, chỉ nói đến xin bát nước trà. Hạ nhân cho hắn vào nhà, đun trà cho hắn.
Tên ăn mày nhìn nhìn rồi nói: “Trà không ngon".
Hạ nhân nhìn hắn có vẻ hiểu rồi đổi một bát trà ngon khác.
Tên ăn mày ngửi ngửi, nói: “Trà này ngon, nhưng nước vẫn chưa được, phải dùng nước suối trong".
Hạ nhân nhìn ra hắn cũng có chút hiểu biết, liền đi lấy nước suối cất trữ từ sáng sớm ra để pha trà.
Tên ăn mày nhấp thử một ngụm, nói: “Nước rất tốt, nhưng củi sao trà không được, củi phải dùng củi sau danh sơn. Bởi vì củi phía đón nắng của núi chất củi xốp, còn sau núi chất củi chắc cứng".
Hạ nhân cuối cùng nhận định người này tinh thông trà đạo, liền dùng loại củi tốt pha lại trà, rồi mời lão gia ra tiếp. Sau khi trà được mang lên, phú ông và tên ăn mày đối ẩm một bát.
Tên ăn mày nói: “Ừm, bát trà lần này, nước, củi, lửa đều tốt, chỉ có ấm pha trà không ổn".
Phú ông nói: “Đây là ấm pha tốt nhất của ta".
Tên ăn mày lắc đầu, từ trong áo cẩn thận lấy ra một ấm trà bằng đất sét tử sa, yêu cầu hạ nhân dùng chiếc bình này để pha lại trà. Phú ông vừa nhấp thử mùi vị quả nhiên không tầm thường, lập tức chắp tay thi lễ với tên ăn mày: “Ta xin mua lại chiếc ấm tử sa này, bao nhiêu cũng được".
Nhưng tên ăn mày cũng rất thích chiếc ấm tử sa, nhất định không muốn bán, tên ăn mày dứt khoát trả lời: “Không được, chiếc ấm này là cuộc sống của ta, ta không thể bán". Tên ăn mày vội vàng rót trà ra, cất lại chiếc ấm.
Phú ông vội vã ngăn lại, nói: “Ta đổi một nửa gia sản để lấy chiếc ấm của ngươi".Tên ăn mày không tin, vẫn bước tiếp. Phú ông nôn nóng, nói: “Ta đổi toàn bộ tài sản để lấy chiếc ấm của ngươi.” Tên ăn mày nghe vậy không tự chủ mỉm cười, nói: “Nếu không phải tôi tiếc chiếc ấm này thì cũng không lâm vào bước đường như hôm nay". Nói xong tên ăn mày quay người bỏ đi.
Phú ông sốt ruột nói: “Như này đi, ấm là của ngươi, ngươi hãy ở lại nhà ta, ta ăn gì ngươi ăn đó, nhưng có một điều kiện, chính là ngày nào cũng phải cho ta nhìn chiếc ấm, thế nào". Phú ông quá thích chiếc ấm rồi vì vậy trong lúc cấp bách nghĩ ra cách đó.
Tên ăn mày cũng vì miếng ăn qua ngày mà túng quẫn, chuyện tốt như vậy sao lại không đồng ý nhỉ? Vậy là hắn vui vẻ đồng ý yêu cầu của phú ông.
Cứ như vậy, tên ăn mày ở lại nhà phú ông, ăn cùng ở cùng phú ông, hai người ngày ngày nâng niu chiếc ấm trà, chia sẻ với nhau, thưởng trà ẩm rượu, vô cùng ăn ý. Cứ thể hơn mười năm qua đi hai người trở thành hai lão già tri kỷ thấu hiểu nhau.
Thời gian trôi đi, phú ông và tên ăn mày cũng dần già đi, lúc này người ta nhận ra người bạn ăn mày lớn tuổi hơn phú ông. Một hôm phú ông mới nói với người bạn ăn mày của mình: “Ông không có con cháu nối dõi, không có ai kế thừa chiếc ấm trà, không bằng sau khi ông đi, để tôi giúp ông bảo quản, ông thấy thế nào?”.
Ông ăn mày rưng rưng đồng ý.
Không lâu sau, ông ăn mày thật sự ra đi, phú ông cũng được như mong muốn có được chiếc ấm tử sa. Vừa mới đầu, phú ông chìm trong cảm giác vui sướng có được chiếc ấm tử sa, cho đến một ngày, lúc phú ông đang ngắm nghía trên dưới trước sau chiếc ấm đột nhiên cảm thấy bản thân như thiếu thứ gì đó, lúc này trước mắt ông hiện lên hình ảnh ngày trước cùng ông ăn mày vui vẻ thưởng trà. Hiểu rõ tất cả rồi, lão phú ông lạnh lùng ném mạnh chiếc ấm xuống đất...

Câu chuyện kết thúc, kết cục có lẽ khiến người ta không ngờ được. Thật ra theo dòng thời gian, có rất nhiều thứ cũng đổi thay, tình nghĩa giữa phú ông và tên ăn mày đã vượt qua cái giá trị ban đầu của ấm trà, thứ dù có tốt đến đâu nếu không có ai cùng thưởng thức thì cũng mất đi ý nghĩa của nó, thứ đáng giá đến đâu cũng không đáng giá bằng tri kỷ. Hãy nghĩ về cuộc đời mình, thứ gì mới là quan trọng nhất trong cuộc đời bạn? Có lẽ chính là người cùng bạn giao tâm thưởng trà!
Trong cuộc sống có được một người bạn tri kỷ là quá đủ! Đây là điều mà bao người từng trải đúc kết được! Tình tri kỷ, như một thứ ấm áp không lời, một sự đồng hành vô hình.
Tri kỷ thật sự, là hiểu, là thân thiết, là đồng điệu. Giống như một chén trà xanh, chan chát mà thấm vào tận trong tim. Có những khi chỉ cần một cái ôm, một ánh mắt, là hiểu tất cả mà không cần dùng đến lời nói; có những khi chỉ cần một đoạn tin nhắn là có thể cảm động mãi sau này.
Tri kỷ, không cần che đậy, cũng không cần giải thích, tự nó đã hiểu, tự nó cảm nhận. Không cần dốc hết sức, cũng không cần chuẩn bị, tự nó sẽ đem đến niềm vui, tự nó sẽ như ý thơ. Cuộc sống có một loại tình cảm, không tác động vào thế giới mỗi người, chỉ đồng hành trong tâm hồn; không trở ngại cuộc sống mỗi người, chỉ mang cùng tiếng nói tâm hồn.
-ST-

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

Bài Học Sau Cùng

Một nhà hiền triết dẫn một toán học trò của mình đi ngao du khắp chốn trên đời. Trong vòng 10 năm trời thầy trò họ theo nhau đi hầu hết các nước, gặp gỡ hầu như tất cả những người có học vấn. Lúc này, thầy trò họ đã trở về, người nào người nấy kinh luân đầy một bụng, kinh nghiệm đầy mình.
Trước khi vào thành, nhà hiền triết ngồi nghỉ trên một bãi cỏ ở ngoại thành, nói với học trò của mình: "Mười năm ngao du, các con đều đã trở thành kẻ sĩ học rộng hiểu nhiều, lúc này đây, sự học sắp kết thúc ta sẽ giảng cho các con bài học sau cùng".
Các học trò kéo đến ngồi vây quanh nhà hiền triết. Một lát sau, nhà hiền triết hỏi: "Hiện chúng ta đang ngồi ở đâu?" Các học trò đồng thanh trả lời rằng đang ngồi trên bãi cỏ hoang ở bên ngoài thành. Nhà hiền triết lại hỏi: "Trên bãi cỏ hoang này có cây gì mọc lên?" Học trò đồng thanh đáp, trên bãi hoang mọc toàn cỏ dại ạ!
Nhà hiền triết nói: "Đúng! Trên bãi cỏ hoang này mọc toàn cỏ dại. Bây giờ ta muốn biết bằng cách gì để trừ hết thứ cỏ dại này đi?" Các học trò nhìn nhau hết sức ngạc nhiên, họ thực sự không ngờ rằng, nhà hiền triết xưa nay vốn chỉ đi sâu nghiên cứu những điều huyền bí của cuộc sống, vậy mà trong bài học sau cùng này lại hỏi một vấn đề giản đơn như thế.
Một người trong toán học trò lên tiếng trước: "Dạ thưa thầy, chỉ cần có một cái xẻng thôi là xong hết ạ!"
Nhà hiền triết khe khẽ gật đầu.
Một người học trò khác như phát hiện ra điều gì mới, nói tiếp: "Dạ thưa thầy, đốt lửa để diệt cỏ cũng là một cách rất hay đấy ạ!"
Nhà hiền triết im lặng mỉm cười, ra hiệu gọi một người khác.
Người học trò thứ ba nó: "Thưa thầy, rắc vôi lên cũng có thể diệt được hết tất cả các giống cỏ đấy ạ!".
Tiếp ngay sau đó là người học trò thứ tư anh ta nói: “Diệt cỏ phải trừ tận gốc, chỉ cần nhổ được rễ lớn là xong hết!”.
Các học trò đã lần lượt nói hết suy nghĩ của mình, nhà hiền triết đứng dậy, nói: "Bài học hôm nay đến đây là hết, các con hãy về đi, rồi theo cách mình nghĩ, mỗi người hãy diệt cỏ ở một mảnh đất trên bãi hoang này. Nếu không diệt được cỏ, một năm sau quay lại đây ta nói chuyện sau".
Một năm sau
Một năm sau, mọi người quay trở lại, có điều khác là bãi cỏ năm trước không còn đầy cỏ dại nữa, mà đã trở thành cánh đồng ngô lúa xanh tươi. Toán học trò lại ngồi quây quần gần ruộng lúa, chờ nhà hiền triết tới nhưng chờ mãi vẫn không thấy ông tới.
Mấy năm sau nhà hiền triết ấy qua đời, những người học trò cũ của ông đã chỉnh lý lại những tài liệu, luận thuyết mà ông nêu ra, thấy ở một chương cuối, ông đã tự ghi thêm vào một câu: "Muốn diệt hết cỏ dại ở bãi hoang, chỉ có một cách hay nhất, đó là hãy trồng cấy mùa màng lên đấy. Cũng như vậy, muốn để linh hồn không phải buồn lo tản mạn, thì cách duy nhất là hãy chiếm cứ nó bằng những đức tính tốt".
P/S: "Một bụng kinh luân không bằng một ý nghĩ tốt trong tâm". Hãy xuất phát từ lòng tốt.----------------Trần Trí Hoàng


Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

TRỌNG ĐỨC (重 德)

Hán văn:
重 為 輕 根靜 為 躁 君是 以 聖 人 終 日 行 不 離 輜 重雖 有 榮 觀燕 處 超 然奈 何 萬 乘 之 主而 以 身 輕 天 下輕 則 失 根躁 則 失 君.
Phiên âm:
1. Trọng vi khinh căn. Tĩnh vi táo quân. 
2. Thị dĩ thánh nhân[1] chung nhật hành bất ly tri trọng.[2] Tuy hữu vinh quan,[3] yến xử [4] siêu nhiên.[5]
3. Nại hà [6] vạn thặng [7] chi chủ, nhi dĩ thân khinh thiên hạ. Khinh tắc thất căn [8], táo tắc thất quân. 
Dịch xuôi:
1. Nặng là gốc của nhẹ. Tĩnh là chủ của xao động. 
2. Cho nên thánh nhân suốt ngày rong ruổi, mà không bỏ mất sự trang trọng, yên tĩnh. [9] Tuy sống trong vinh hoa, mà lòng vẫn thung dung sống vượt lên trên. 
3. Tại sao vua một nước có muôn cỗ xe lại đem thân coi nhẹ thiên hạ. Nhẹ ắt mất gốc, xao động ắt mất chủ.
Dịch thơ:
1. (Người) trang trọng hơn (người) nhẹ (dạ)
(Người) thung dung chúa (gã) long đong. 
2. Đường đường là đấng thánh nhân,
Suốt ngày rong ruổi, vẫn không buông tuồng. 
Tuy rằng ở chỗ cao sang,
Tâm hồn thư thái, chẳng màng phồn hoa. 
3. Làm vua thống trị sơn hà,
Cớ sao dở thói kiêu sa lộng quyền. 
Buông tuồng là mất căn nguyên. 
Lo toan trăm nỗi là quên mất Trời. 
BÌNH GIẢNG
Chương này dạy ta hai điều:
1. Sống cho trang trọng
2. Sống cho yên tĩnh
Chúng ta phải sống trang trọng vì tâm niệm rằng: trong mình ta, gồm đủ thiên lý, thiên đạo, gồm đủ tam tài (thiên, địa, nhân) tam bảo (tinh, khí, thần). 
Lý Long Uyên khi bình chương này đã viết đại khái như sau: «Người quân tử đem một thân một mình mà suy hành cho cả thiên hạ; khi làm, hoặc ngơi nghỉ; khi nói năng hay im lặng, đều cảm thấy là do thiên lý lưu hành. Bất kỳ ở địa vị nào (vua, tôi, cha, con), cũng lấy cương thường luân lý để bảo đảm cho sự trang trọng mình; mỗi khi ứng sự tiếp vật, đều lấy đạo đức nhân nghĩa để bảo toàn cho sự trang trọng mình...» 
Trung Dung cũng viết:
Mỗi động tác quân tử đều nên như mẫu mực,
Mỗi hành vi là khuôn phép chúng nhân theo. 
Mỗi lời nói, thiên hạ đời sau sẽ nương vào,
Người xa ngưỡng mộ, người gần không hề ngán. 
Thứ đến, Lão tử khuyên ta nên sống với một thần trí định tĩnh. 
Lý Long Uyên bình câu «Tuy hữu vinh quan, yến xử siêu nhiên» như sau: «Nên sống vô vi trần tĩnh, «Vinh quan» tức là tất cả những vật dục phân hóa, thanh sắc hóa lợi. Mọi người đều tranh nhau hưởng mùi đời, lặn ngụp trong ba đào thế sự, chỉ có người quân tử là sống an nhàn, siêu thoát; thanh tĩnh khác đời, hư minh thuần nhất; tùy thời thuận lý; không để cho vật dục làm đổi rời; không để cho tính tình vọng động càn rỡ; y như là gió mát trăng trong, lúc nào cũng ung dung thư thái, siêu thoát hồn nhiên... Người tu đạo nếu có thể sống trong sang giàu mà không để cho giàu sang làm thay lòng dạ, sống trong nghèo nàn, mà không để cho nghèo nàn làm lụy tấm thân, được như vậy tức là người quân tử thoát tục rồi còn gì?» 
Gia Cát Vũ hầu cũng viết: «Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn.» 
非 淡 泊 無 以 明 志, 非 寧 靜 無 以 致 遠.
(Không đạm bạc làm sao sáng suốt,
Không tĩnh định làm sao tiến xa.)
Lý Long Uyên cho rằng: mỗi con người chúng ta đều tôn quí vô ngần, mỗi con người chúng ta đều là một quốc gia có muôn cỗ xe, cho nên chúng ta đừng nên giảm giá trị của mình. Người tu đạo nên lấy đó làm đề tài suy nghĩ. 
Lão tử kết luận: Coi nhẹ mình tức là mất căn nguyên; ôm đồm nhiều chuyện phù du, là bỏ mất Đại Đạo.